Công việc giặt giũ ngày nay đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi có sự trợ giúp đắc lực từ máy giặt. Nhưng khi đã mua máy về, không phải ai cũng để ý và biết cách bảo quản và vệ sinh máy, giúp máy có tuổi thọ dài hơn.
Bảo quản máy giặt:
– Không giặt quá trọng lượng cho phép của máy giặt, vì không chỉ giặt không sạch mà còn làm giảm tuổi thọ của máy.
– Đảm bảo không bỏ quên các đồ vật bằng kim loại trong đồ giặt (như kẹp tóc, gim cài, tiền xu…) vì chúng sẽ gây ra tiếng kêu lạ, làm kẹt máy hoặc làm rách quần áo. Khi giặt rèm cửa cần tháo các móc hoặc buộc chúng lại trong túi hoặc lưới. Cột chặt các sợi dây dài và kéo các móc khóa trên quần áo lại vì chúng khi mở tung ra có thể gây hư hại cho đồ giặt hoặc thùng giặt.
– Khi máy đang hoạt động, không cho tay vào thùng giặt hoặc thò tay vào đáy máy, các bộ phận khi quay có thể gây thương tích cho bạn. Không để trẻ em chơi đùa bên trên hay trong máy giặt, không cho trẻ nghịch máy khi máy đang hoạt động.
– Không làm văng nước hay đổ nước lên bảng điều khiển gây chạm mạch, hư hỏng làm sai lệch chức năng. Không nên dùng xô hay vòi riêng cấp nước cho máy.
– Một số gia đình có thói quen giặt trước bằng tay rồi mới cho vào máy để giặt hoặc vắt, khi đó cần chú ý tránh nước rớt từ quần áo vào mạch điều khiển và nên dàn đều đồ giặt trong máy, tránh để lệch về một góc.
– Với các máy giặt cửa đứng thông thường, không sử dụng nước nóng trên 50oC vì nước nóng có thể làm thay đổi hình dạng các bộ phận bằng nhựa trong máy.
Vệ sinh máy giặt:
– Khi vệ sinh máy: Lau chùi máy sạch sẽ và khô ráo bằng vải mềm, không được dùng bàn chải, bột đánh bóng, benzine hay vật liệu dễ bay hơi để lau chùi máy vì có thể gây hư hại các linh kiện nhựa và lớp sơn phủ ngoài.
– Vệ sinh lưới lọc của van cấp nước để tránh bị tắc do cặn bẩm bám đóng: Cần đóng vòi nước và bật công tắc nguồn, chọn cả nước nóng và lạnh rồi ấn nút START/PAUSE để rút hết nước trong vòi, sau đó tắt điện, rút phích cắm của máy và lấy phin lọc ra khỏi van. Sử dụng bàn chải cọ rửa những cặn bẩn và lắp phin lọc vào vị trí cũ. Lưu ý không được vứt bỏ hoặc làm thủng lưới lọc, tránh làm hỏng van cấp nước.
– Vệ sinh lưới lọc xơ vải: Công việc này cần được thực hiện thường xuyên. Tháo lưới lọc ra khỏi máy, dùng bàn chải vệ sinh thật kỹ.
– Vệ sinh vỏ máy bơm (với các model có bơm xả nước): Cần tháo vít ở nắp sau để thao tác với máy bơm, xoay nắp bơm ngược chiều kim đồng hồ, mở nắp để lấy đi những vật bẩn lọt vào bên trong. Kiểm tra sự rò rỉ của nước sau khi lắp, đặc biệt là gioăng cao su ở nắp bơm.
– Vệ sinh ngăn đựng nước xả và xà phòng: Thông thường, may giat có thể tự bơm nước lấy sạch lượng xà phòng và nước xả trong ngăn. Nhưng nếu bạn cho quá nhiều, xà phòng và nước xả sẽ bị trào ra ngoài. Vì vậy, sau mỗi lần giặt bạn nên vệ sinh ngăn đựng sạch sẽ.